Hòa âm cho bài hát (Lý thuyết phần 4)

I. Hòa âm căn bản của một bài hát
Hòa âm căn bản của một bài hát là các hợp âm. Do đó các bạn phải thuộc lòng các nốt trong tất cả các hợp âm, bắt đầu từ các hợp âm trưởng, thứ tự nhiên, rồi hợp âm 7 và sau đó là các hợp âm nghịch.

Để làm quen với cách ghi hợp âm cho một bài hát, trước hết các bạn nên bắt đầu bằng các hợp âm trưởng thứ tự nhiên và hợp âm 7. Chỉ dùng các hợp âm này thôi và biết ghi hợp âm theo một vài nguyên tắc là đủ để làm cho bài hát thêm màu sắc. Và nếu các bạn thêm vào tiết tấu đệm cho các hợp âm này thì các bạn đã làm hòa âm căn bản cho bài hát với một nhạc cụ đệm như guitar và organ.
Việc ghi hợp âm có những nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc thứ 1: hợp âm thường xuất hiện vào đầu nhịp. Trong nhịp cũng có thể xuất hiện thêm hợp âm khác để thêm màu sắc cho cách đệm.
2. Nguyên tắc thứ 2: trong nhịp có nhiều nốt thuộc hợp âm nào thì nhịp đó sẽ nhận hợp âm này. Tuy nhiên các bạn nên phân biệt nốt nào là nốt chánh của hợp âm và nốt nào là nốt phụ/nốt lướt/nốt hoa mỹ trong nhịp.
3. Nguyên tắc thứ 3: các hợp âm sẽ nối tiếp nhau từ nhịp này sang nhịp khác theo 2 cách:
a) Theo vòng quảng 4:
C => F => Bb => Eb => Ab => Db (C#) => Gb (F#) => Cb (B) => Fb (E) => A => D => G => và quay về C
hoặc theo vòng quảng 5 (ngược lại với vòng trên):
C => G => D => A => E => B => F# => C# => G# (Ab) => D# (Eb) => A# (Bb) => F => và quay về C
b) thay thế nhau: các hợp âm có những nốt giống nhau có thể thay thế nhau. Thí dụ: C và Am (có 2 nốt giống nhau: C, E); C và Em (có 2 nốt giống nhau: E, G); F và Am (có 2 nốt giống nhau: A, C); C và F (có một nốt giống nhau: C), v.v...
4. Nguyên tắc thứ 4: Để việc chuyển hợp âm này sang hợp âm khác nghe "mượt mà", du dương thì giữa các hợp âm này phải có một nốt giống nhau và các nốt còn lại của hợp âm trước được chuyển sang các nốt của hợp âm sau theo 1/2 cung hoặc tối đa 1 cung lên hoặc xuống.
Thí dụ: từ G chuyển về Dm: hợp âm G = GBD và hợp âm Dm = DFA
- nốt D (trong hợp âm G) sẽ giữ nguyên là nốt D (trong hợp âm Dm)
- nốt G (trong hợp âm G) sẽ giảm xuống 1 cung để về nốt F (trong hợp âm Dm)
- nốt B (trong hợp âm G) sẽ giảm xuống 1 cung đến nốt A (trong hợp âm Dm)
II. Các hợp âm thường dùng trong âm giai
1. Hợp âm trong âm giai trưởng:
Các bạn chồng 2 quảng ba tuần tự lên từng nốt trong một âm giai thì sẽ được các hợp âm tự nhiên được sử dụng trong âm giai này.
Thí dụ, âm giai C có các hợp âm sau:
Quảng ba thứ 2: ...G A B C D E F
Quảng ba thứ 1: ...E F G A B C D
............................---------------------
nốt âm giai:..........C D E F G A B
Tên gọi hợp âm: C Dm Em F G Am B dim
Tổng quát hóa: I ii iii IV V vi vii
Như vậy trong một bài hát được viết theo âm giai trưởng, các hợp âm được sử dụng gồm có:
+ 3 hợp âm trưởng: bậc I, IV và V
+ 3 hợp âm thứ: bậc ii, iii và vi
+ 1 hợp âm giảm (dim): bậc vii
Bằng cách tính này, âm giai D sẽ có các hợp âm sau: D, Em, F#m, G, A, Bm và C#dim
và âm giai E sẽ có các hợp âm: E, F#m, G#m, A, B, C#m và D#dim v.v...
2. Hợp âm trong âm giai thứ:
Hòa âm cho âm giai thứ thì màu sắc hơn vì có 3 thể âm giai thứ: âm giai thứ tự nhiên, âm giai thứ giai điệu và âm giai thứ hòa điệu. Âm giai thứ, ngoài các hợp âm giống như âm giai trưởng tương ứng, còn có thêm một số hợp âm do thể giai điệu và hòa điệu mang lại.
Thí dụ, âm giai Am tự nhiên gồm các nốt: A B C D E F G sử dụng các hợp âm giống như trong âm giai C là: Am, B dim, C, Dm, Em, F và G;
và âm giai Am hòa điệu gồm các nốt: A B C D E F G# có thêm hợp âm E (gồm 3 nốt E G# B) do có nốt G#;
và âm giai Am giai điệu gồm các nốt: A B C D E F# G# có thêm 2 hợp âm:
D (gồm 3 nốt D F# A) do có nốt F# và
E (gồm 3 nốt E G# B) do có nốt G#.
Như vậy, một bài hát được viết theo âm giai thứ sẽ có thể sử dụng được các hợp âm sau:
+ 5 hợp âm trưởng: bậc III, IV, V, VI và VII
+ 3 hợp âm thứ: bậc i, iv, v
+ 1 hợp âm giảm (dim): bậc ii

III. Cách viết-chơi khúc dạo đầu
Khúc dạo đầu (Intro), ngoài nhiệm vụ xác định âm giai để cho người hát bắt đúng giọng, còn phải là đoạn tạo ấn tượng cho người nghe về ca khúc sắp được người hát thể hiện. Rất nhiều ca khúc có đoạn mở đầu quá ấn tượng đến nỗi tất cả các nhạc sĩ hòa âm lại những ca khúc này đều không thể thay đổi được vì không thể viết cách nào khác cho ấn tượng hơn nữa. Ví dụ khúc dạo đầu bài “Adieu, sois heureuse” (Nhạc Pháp - lời Việt: Thôi ta xa nhau)…
Không có gì bí mật hoặc "thiên phú" để viết đoạn dạo đầu ấn tượng vì nếu đoạn nhạc này là biến khúc của ca khúc thì khó mà tách bỏ để thay thế bằng một đoạn nhạc khác.
Không có qui định về độ dài của đoạn mở đầu mà tùy cảm hứng của người phối nhạc. Tuy nhiên theo tâm lý bình thường của người nghe thì đoạn mở đầu nên có độ dài chẳn ô nhịp, chẳng hạn như 4, 6, 8, 10, 12 ô nhịp.
Có các cách viết đoạn dạo đầu như sau:
1. Dạo đầu bằng một hợp âm:
Chỉ có một hợp âm vang lên và rồi người hát cất tiếng ngay vào ca khúc. Hợp âm này thường là hợp âm chủ hoặc hợp âm 7 ở bậc 5. Thí dụ như: hợp âm C hoặc hợp âm G7 đối với ca khúc ở cung C; hợp âm Am hoặc E7 đối với ca khúc ở cung Am.
Hợp âm này có thể là hợp âm khối (block chord), hợp âm rải (arpeggio).
Cách ứng dụng thông thường của cách dạo đầu này là: để tạo ấn tượng cho người nghe vì xem như ca khúc này không có đoạn nhạc dạo đầu, ngay sau hợp âm dạo đầu là các giọng bè hát ngay vào điệp khúc.
Ví dụ bài “Không cần nói yêu anh” (ngày xa xưa anh nói…), rải hợp âm chủ để người hát bắt giọng rồi hát luôn.
2. Lấy điệp khúc làm đoạn dạo đầu:
Nếu ca khúc có đoạn điệp khúc hay, có thể sử dụng toàn bộ đoạn điệp khúc này để làm đoạn dạo đầu hoặc chỉ lấy một đoạn hay nhất trong điệp khúc này để thực hiện tiến hành giai điệu liền cung bậc lên hoặc xuống dần đến hợp âm chủ hoặc hợp âm 7 ở bậc 5.
Ví dụ bài "Thương nhau ngày mưa" của Nguyễn Trung Cang. Đoạn dạo đầu đánh một hợp âm để cho ca sĩ bắt giọng rồi sau đó là giọng  bè hát đoạn điệp khúc: Như mưa ngày nào thấm ướt vai em... sau đó hết đoạn điệp khúc mới hát đoạn phiên khúc 1 (hát từ đầu).
3. Sử dụng một đoạn hợp âm trong ca khúc:
Có thể lấy cả đoạn hợp âm trong điệp khúc hoặc phiên khúc và soạn giai điệu dạo đầu mô phỏng điệp khúc hoặc phiên khúc hoặc là biến tấu của phiên khúc hoặc điệp khúc.
4. Sáng tác đoạn dạo đầu riêng:
Chỉ có bậc cao thủ về hòa âm mới thực hiện được cách này vì đòi hỏi người soạn hòa âm phải cảm nhận ca khúc thật sâu sắc để có thể sáng tác đoạn dạo đầu mà không sử dụng một chút giai điệu nào trong ca khúc mà vẫn khiến người nghe cảm nhận được ngay cái hồn của ca khúc.
Nếu ở vai trò nhạc công, để ngẫu hứng 1 đoạn dạo đầu mà không sử dụng một chút giai điệu nào cảu bài hát thì người chơi cũng phải có sự cảm âm tốt, hiểu biết về giai điệu và qui luật đi hợp âm của bài hát, để có thể chơi 1 đoạn nhạc dạo vừa mang tính dẫn dắt vào bản nhạc, vừa mang âm hưởng của bản nhạc đó.
* * *

- Chơi đều nhịp và đúng nhịp (Lý thuyết phần 5)

2 nhận xét:

  1. anh cho em hỏ trong phần xác định hợp âm trong âm giai trưởng & thứ theo cách tính thì em tính được nhưng mà làm sao biết khi nào là hợp âm thăng thứ, khi nào là hợp âm thứ

    Trả lờiXóa
  2. Hợp âm thăng thứ đơn giản chỉ là 1 hợp âm thứ, thăng lên 1/2 cung (= 1 ngăn trên cần đàn).
    Ký hiệu: Hợp âm thứ thêm dấu thăng (#), ví dụ: Fm#: Đọc là Fa thứ thăng hay Fa thăng thứ.
    Thế bấm: Bấm hợp âm thứ cùng tên, dịch lên 1 ngăn đàn.
    Vai trò của nó: ít khi nào là 1 hợp âm chính, mà thường chỉ là 1 hợp âm phụ, hay hợp âm tương đương của 1 hợp âm chính (là hợp âm trưởng). Ví dụ: A -> Fm# -> Bm -> E -> A, trong đó A (La trưởng) là hợp âm chính, Fm# (Fa thăng thứ) đóng vai trò là hợp âm phụ tương đương v.v...

    Trả lờiXóa