HỌC ĐÀN BẰNG MẮT & HỌC ĐÀN BẰNG TAI

 I. Mở đầu:

Chúng ta thường thấy mọi người học đàn theo cách "truyền thống" như sau: Đến các trung tâm, cơ sở dạy đàn để học, và bắt đầu bằng những khuôn nhạc, nốt nhạc chằng chịt… những âm thanh lộn xộn… một số ít vẫn học tốt khi họ dành hết thời gian và tâm trí, phần nhiều còn lại trong số đó, sau một thời gian "học, học nữa, học mãi…". Nhưng đệm một bài hát vẫn không được, hoặc không đủ tự tin, trường hợp tệ hại khác là họ có thể bị biến thành một robot chơi nhạc... 

Lý do tại sao có hiện tượng này ?

Phần tiếp theo bài viết này sẽ phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Hình minh họa: PP học đàn “truyền thống”, PP học phù hợp người nhỏ tuổi và có thời gian (nguồn ảnh: Internet).

Hình minh họa: PP tự học đàn bằng tai, PP học phù hợp người lớn tuổi và có ít thời gian (nguồn ảnh: Internet).

II. Phân tích:

Nội dung bài viết này sẽ là những chia sẻ về cách tập đàn sao cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện của riêng mình. Phương pháp này, theo tôi, sẽ thích hợp với những người lớn tuổi, người không có nhiều thời gian, những người muốn tự học và những người có cá tính (người có cá tính khó mà đi học trong các cơ sở dạy đàn đông người ồn ào, và cả hàng chục người học chung 1 giáo trình, rập khuôn như những cỗ máy)…

Đây chỉ là quan điểm cá nhân, không đánh giá bất cứ phương pháp nào, cũng không phải là một khẳng định, mà chỉ là một chia sẻ để anh em nếu thấy phù hợp thì tham khảo, áp dụng cho việc tập đàn của mình, còn không thì thôi.

Thực tế có nhiều người khiếm thị vẫn chơi nhạc rất tốt, thậm chí nhiều người mù vẫn chơi nhạc, sáng tác nhạc. Điều đó cho thấy: mắt chỉ là phụ, tai mới là chính.

* Bảng so sánh 2 phương pháp học đàn

Học đàn bằng mắt

Học đàn bằng tai

- Khái niệm:

Là kiểu học đàn “truyền thống”, nhiều người học chung trong 1 phòng, chung 1 giáo trình, nặng về lý thuyết, học kiểu nhìn - dịch nốt nhạc từ bản nhạc có nốt bằng mắt, xong đôi tay bấm phím.

- Khái niệm:

Là kiểu học đàn “chưa từng xuất hiện”, không càn bản nhạc hay giáo trình, lý thuyết, là kiểu học cảm âm qua đôi tai, não bộ phân tích, xử lý và đôi tay thực hành.

- Điểm +:

+ Có bạn học đông vui,

+ Tiết kiệm chi phí do học đông người;

+ Nắm vững lý thuyết, phản xạ dịch nốt nhanh…

- Điểm +:

+ Người học chỉ cần một mình và học bất cứ lúc nào mình rảnh, mình thích;

+ Tiết kiệm chi phí học;

+ Cảm hứng, hiệu quả nhanh;

+ Tập với những bài nhạc mình thích…

- Điểm -:

+ Phải học theo thời khóa biểu cố định, giáo trình cố định của nơi dạy, học với nhiều người nên khó tập trung;

+ Dễ gay nhàm chán, bỏ cuộc vì sự trừu tượng của nhạc lý.

+ Có thể bị biến thành một robot biết chơi nhạc, và chơi nhạc theo phản xạ có điều kiện, chỉ nhìn vào bản nhạc hoặc thấy hợp âm mới chơi được;

+ Khó khăn khi đệm hát, thậm chí bó tay, vì không quen hòa âm, không có phần trợ giúp bằng bản nhạc đặt trước mắt…

- Điểm -:

+ Hạn chế phần lý thuyết, dịch nốt…

+ Phải tự học đê biết trước các thế bấm hợp âm và đánh được điệu cơ bản. (phần này tương đối đơn giản, rất ít liên quan đến nhạc lý, người học hoàn toàn có thể tự tập, tuy nhiên cũng cần sự kiên trì, quyết tâm để vượt qua).

 

III. Nguyên nhân:

Nguyên nhân chính là do sự phức tạp của nhạc lý đã làm nản lòng người học, công thêm sự nhàm chán do ít thực hành, dẫn đến việc học đàn bằng mắt (học thep PP “truyền thống”) ít hiệu quả.

IV. Trình tự cách tập đàn bằng tai:

1. Tập đệm (accord): Với đàn organ là phần hợp âm bên tay trái, với guitar là phần đệm hợp âm kết hợp cả 2 tay.

* Chuẩn bị trước:

+  Tập trước các thế bấm hợp âm trên đàn guitar, organ, các điệu trên đàn guitar (đàn organ thì đa số đều có săn điệu trong đàn), phần này tương đối đơn giản, rất ít liên quan đến nhạc lý, người học hoàn toàn có thể tự tập,

+ Chuẩn bị bài hát mình biết, dạng đơn giản.

* Tiếp theo là các bước thực hành theo 3 bước như sau:

- Bước 1: Dò tone

Mở (bằng máy tính, hay điện thoại) bài nhạc mà mình biết, mình thích (nếu bản nhạc mình không thích sẽ không có tác dụng) lên nghe, nghe 5 lần 7 lượt cho đến khi thuộc giai điệu. Quá trình nghe để ý xem bài hát đó thuộc điệu gì (Slow, Bolero…), lấy đàn dò theo xem tone gì (trưởng, hay thứ), hợp âm chủ là gì (C, hay Am, hay gì…). Ghi nhớ nó.

- Bước 2: Đệm theo

Lấy đàn thực hành đệm theo, nếu là guitar thì chuẩn bị các thế bấm theo hợp âm bài hát, nếu là Organ thì mở điệu cùng điệu với bài hát, lấy tempo (tốc độ) = tempo bài hát, chuẩn bị các thế bấm theo hợp âm bài hát (có thể nhấn nút +/- trên đàn nếu đàn có chức năng Transpose để điều chỉnh tone cho dễ), cần thận hơn có thể in lời bài hát ra giấy rồi ghi hợp âm cho bài hát, chuẩn bị sẵn sàng đâu đó ok hết, đến bước 3.

- Bước 3: Sửa lỗi, hoàn thiện

Quá trình đệm lắng nghe xem mình đệm đúng hay sai, sai chỗ nào thì tua lại và đàn lại cho đến khi đúng. Lập lại bước 3 nhiều lần cho đến khi thuần thục.

2. Tập đánh nốt giai điệu (solo):

Cũng tương tự trên, với đàn organ là phần nốt ở bên tay phải, với guitar là phần đánh nốt kết hợp cả 2 tay.

Áp dụng chu trình trên (Bước 1, 2, 3) cho các bài hát tiếp theo, cứ như vậy dần dần vốn kiến thức và kinh nghiệm của mình sẽ tăng dần theo thời gian, và tiến triển rất nhanh.

V. Tổng kết:

Hiện nay, con người đã chế tạo thành công nhiều phần mềm chơi nhạc, hoặc robot biết chơi nhạc: Đặt bản nhạc có nốt trước “mắt điện tử” của nó, nó sẽ phát bản nhạc âm thanh. Nhưng nó chỉ để trình diễn về khoa học, công nghệ, không thể trình diễn như con người, vì không một robot nào có thể chơi nhạc cảm xúc bằng con người thật. Đó là lý do không ai mua vé xem robot trình diễn chơi nhạc, mặc dù con người đã sản xuất ra robot dạng này.

Dạy nhạc không đúng cách có nguy cơ biến người học thành những robot biết chơi nhạc, học đàn không đúng cách cũng có thể tự biến mình thành một dạng người máy biết đánh đàn.

Học đàn bằng mắt theo PP truyền thông là cách học có xu hướng thụ động, người học tiếp thu thụ động nhưng gì người dạy truyền đạt (kể cả những gì không cần thiết với họ), học đàn bằng tai là cách học chủ động, người học chủ động tự học những gì mình cần, mình muốn.

Học đàn bằng tai - chơi đàn bằng tai, dù chỉ là một ý tưởng đề xuất có tính tham khảo, vẫn hy vọng sẽ là một PP tập luyện hiệu quả và phù hợp với ai đó, giúp tiết kiệm thời gian, tăng cảm hứng để anh em tham khảo, thử nghiệm.

Và cuối cùng, dù chọn PP nào hay kết hợp cả hai, thì sự kiên trì tập luyện vẫn là điều kiện không thể thiếu.

Anh em có ý tưởng nào khác xin để lại bình luận bên dưới bài viết này.

* * *

TP Tuy Hòa 09/2023 – Written by Tuấn Anh, Zalo: 0919410280.

| Trời còn mưa mãi - hòa tấu | Tập điệu Bolero & Slow-pop có video minh họa |

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét